;
Giỏ hàng

CHỤP ẢNH PHIM - CÚ LỘI NGƯỢC DÒNG CỦA NGHỆ THUẬT TỪNG LÃNG QUÊN

Cứ ngỡ những tấm ảnh ám vàng chỉ còn lưu trong cuốn album cũ phủ bụi của bố hay những thước phim đen trắng hiếm hoi ta hay xem chỉ có trên truyền hình mỗi dịp lễ đặc biệt nào đó. 

Trở lại vài năm gần đây, hashtag #filmisnotdead bỗng lan nhanh như một hiện tượng, dấy lên làn sóng mới mẻ trong giới nhiếp ảnh. Thật chẳng khó để bắt gặp chiếc máy phim nhỏ nhắn vào một sáng đầu thu nếu bạn có dạo chơi quanh các con phố cổ Hà Nội hay phóng xe qua con đường rợp lá vàng Phan Đình Phùng trứ danh. Thú chụp ảnh phim trở lại một cách nhẹ nhàng đầy thu hút như thế.

Ảnh: Cừu Bay

ĐÓN NHẬN ĐIỀU BẤT NGỜ VỚI DẤU HỎI LỚN

Xã hội hiện đại và cuộc sống vội vã, đẩy ta chạy theo guồng quay mà thế giới vận hành sẵn. Tôi không phủ nhận công nghệ số giúp con người đạt được thứ mình muốn theo cách đơn giản hơn. Một chuyến du lịch tự túc, cuộc gặp gỡ bạn bè, món ăn đường phố thơm phức và nóng hổi khi chiếc bụng biểu tình giờ tan tầm, bạn có thể lưu lại tất cả trải nghiệm ấy chỉ bằng một cú chạm trên chiếc Smartphone. Quá quen với sự tiện nghi ấy, tại sao máy phim có cơ hội trở lại?

Ảnh: Cừu Bay

Ở thế kỷ 16 và thời kỳ cực thịnh rực rỡ của máy ảnh phim - thế kỷ 19, các nhà khoa học đã cải tiến thiết kế sơ khai, từ nhu cầu ban đầu chỉ đơn giản là giúp người dùng có thể dễ dàng cho vào gói hành lý, tới thay đổi các kết cấu vật lý như đường kính, tiêu cự, độ âm bản và dương bản để nâng cao chất lượng ảnh được nét hơn. Chụp ảnh phim bị lu mờ dần khi công nghệ số ra đời. Đến đầu thế kỷ 21, những nhà sản xuất đầu ngành như Kodak tại Mỹ đã buộc phải đệ đơn phá sản sau khi thua lỗ hàng loạt, công ty duy nhất sống sót là Kodak của Anh. 

Đi lên từ tro tàn, phong cách retro quay trở lại trên toàn thế giới, hòa trộn giữa sự mới mẻ của hiện tại và hoài cổ của quá khứ. Trào lưu những năm 80, 90 thổi hơi thở thời đại vào thời trang, âm nhạc, phim điện ảnh cho đến không gian vintage tại các quán coffee, nhà hàng, studio. Xu hướng chụp ảnh phim đã không nằm ngoài dòng chảy ấy.

Tôi biết đến ảnh phim khi tình cờ tham gia một nhóm cộng đồng trên facebook. Càng ngắm những tấm ảnh màu lặng - tông màu phấn nhạt và tông màu sứ nhẹ của những cuộn phim outdated, màu ám vàng của Kodak hay phủ xanh của cuộn phim Fuji, chẳng biết tôi đã yêu thứ màu cũ kỹ ấy từ lúc nào không hay. Đôi khi là gương mặt xinh xắn của cô nàng tuổi đôi mươi. Đôi khi chỉ là bông cúc dại dưới nắng. Đôi khi là chiếc mèo béo ngu ngốc nằm ngủ say. Đôi khi là khung cửa sổ đóng kín lờ mờ ánh sáng ban chiều. Nhìn chúng, tôi nhận ra lăng kính cuộc sống quanh mình đẹp đẽ nhường nào. 

Ảnh: Cừu Bay

Một số bạn thì đơn giản hơn, muốn có những bức ảnh màu lạ để đăng lên trang cá nhân thay cho app chỉnh màu thông thường. Vài bạn lại chịu ảnh hưởng từ thần tượng ( fan của những cô gái Blackpink, chắc hẳn bạn biết Lisa là tín đồ cuồng máy phim chính hiệu với bộ sưu tầm máy khổng lồ và tất nhiên, những bức ảnh cô nàng chụp cũng cực kỳ xịn sò nhé). Nhưng phần đông còn lại, những anh chị trong giới nhiếp ảnh phim mà tôi biết, tìm tới môn nghệ thuật này để được trốn khỏi cuộc sống mệt mỏi thường nhật dù đôi chút, để được sống thật với bản thân, để gửi gắm góc suy tư và chia sẻ câu chuyện khó trải lòng qua ống kính.

CẢM NHẬN NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ QUÝ GIÁ

Nhỏ gọn, bắt mắt, vẻ đẹp cổ điển và giá cả hợp lý. Chỉ trên dưới 1 triệu đồng, bạn đã có thể sắm ngay một chiếc máy ảnh phim cho sở thích nhiếp ảnh hoặc sưu tầm, tùy theo mục đích cá nhân. Dĩ nhiên, trên thị trường vẫn bán những dòng máy chuyên dụng và cao cấp như Leica, Contax T2 hay Nikon F2/FM2, giá thậm chí lên tới hàng trăm triệu đồng. 

Ảnh: TTL

Giá thành máy phim rẻ nếu so với máy số nhưng tiền mua phim (đang khá “chát” và vẫn có xu hướng tăng), tráng phim, thay pin sẽ ngốn kha khá ngân sách nếu bạn có lỡ “nghiện”. 

Đôi khi, với những người mới học, chụp phim giống như bạn đang chơi trò xổ số kiến thiết miền Bắc vậy. Một khi bấm nút chụp, cuộn phim trong guồng máy sẽ hoàn thành công việc “một lần và mãi mãi” của nó. 

Nhận ảnh từ lab, ảnh cháy sáng, ảnh nhoè, ảnh tối, thậm chí chỉ sót lại vài bức trong cuộn 36 tấm là chuyện rất đỗi bình thường. Nguyên nhân chủ yếu đều do chưa biết cách bảo quản và lắp phim, chưa biết chỉnh tiêu cự, khẩu, tốc độ hay thiếu kinh nghiệm đo sáng. Vì thế, sự hụt hẫng thường nhiều hơn niềm vui. Từ đây, bạn học cách chấp nhận sai sót và nhìn nhận mọi thứ đa chiều hơn.

Trong nghệ thuật, chẳng bao giờ có sai hay đúng. Một tấm hình cháy nhẹ, nhoè nhoẹt như làn khói thuốc, một tấm chồng phim, đều có thể đem một trải nghiệm thú vị, một câu chuyện, hay tuyệt phẩm với một ai đó. Sự không hoàn hảo đôi khi lại hoàn hảo theo cách riêng khác biệt.

Sau bao nhiêu năm, vẫn yêu nhất một tháng chín năm nọ. Tôi lướt instagram và chọn mua chiếc lomo underwater vàng chanh, vỏ nhựa. Đó là chiếc máy phim đầu tiên mà tôi có, dù kiểu tậc lưỡi “liệu cái hộp nhựa này có thể coi là máy phim không”. Lủi thủi một mình lên Hồ Gươm một ngày không nắng, cảm giác đưa chiếc máy lên ngang tầm mắt, chờ đợi khoảnh khắc chiếc xe máy vụt qua và bấm nút, hạnh phúc nhỏ bé bất giác khiến tôi mỉm cười. Cuộc sống vốn dĩ rất đẹp. Đừng để deadline hay việc sếp la mắng cướp đi tình yêu trong bạn. Chụp máy phim giúp tôi góp nhặt những bài học nhẹ nhàng nhưng đắt giá.

Ảnh: TTL

Một chiếc smartphone đa di năng giúp ta chụp nhanh bức ảnh đẹp, hàng loạt app chỉnh sửa có thể mang đến màu sắc “giống” phim, nhưng có lẽ chính cái cảm giác phải chọn lọc từng cú bấm máy, cảm nhận khung hình bằng mọi giác quan, kiên nhẫn quan sát để chờ đợi một khoảnh khắc, từng chút một xoay ống kính lấy nét và “tách”, mới là điều làm người ta mê mẩn. Chụp ảnh phim luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn và cho phép người chụp rơi vào “khoảng lặng của thời gian”. Như một lẽ dĩ nhiên, họ trân trọng từng tấm hình.  

PHÓNG TẦM MẮT XA HƠN

Chụp ảnh phim bây giờ đâu chỉ có từ thời của ông và bố. Có những gia đình 2, 3 thế hệ cùng nhau đi chụp ảnh như một thú vui tao nhã đáng quý. Tôi cứ nghĩ chỉ những thành phố du lịch như Đà Nẵng, Đà Lạt hay những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, phong trào chụp ảnh phim mới phát triển được do khả năng bắt trends rất nhanh của các bạn trẻ, có nhiều lab bán & tráng phim, những cửa hiệu bán máy phim chuyên dụng - tất cả các yếu tố cần thiết để khơi dậy và nuôi dưỡng thú chụp ảnh phim.

Một dịp, sau chuyến đi công chuyện ở Bắc Ninh, tôi dành chút thời gian rảnh thơ thẩn dạo quanh phố xá rồi tình cờ phát hiện - hay bị nó thu hút ( tôi cũng không rõ), một quán cà phê trong con hẻm nhỏ ít xe cộ qua lại, gam màu vintage của nâu gỗ và dây leo xanh rì. Bước chân vào quán, ấn tượng của tôi thậm chí còn rõ nét hơn. Vài ba chiếc máy phim trong gác sách, chồng phim ngay ngắn trên quầy, những bức ảnh cũ kỹ, giai điệu một bài hát indie chưa nhớ được tên, không gian vương vấn mùi cafe hòa với xạ hương của gỗ. Quả là một thế giới trầm lắng tách biệt.

Ảnh: Cà phê Inf

Trò chuyện cùng nhau, anh Hải Bằng - chủ quán Cà Phê Inf chia sẻ: “ Động lực giúp anh bỏ công việc trên Hà Nội, quyết định về quê mở quán xuất phát từ lời hứa với một cô gái cũng yêu màu phim như anh. Và cái duyên đưa anh tới ống kính cũng đơn giản như lý do anh mở quán, trong một chuyến lên Đà Lạt, thấy nhiều người chụp phim quá khiến anh cũng muốn có cho mình một chiếc. Thích một điều gì đó đâu cần quá nhiều lý do."

Suốt năm tháng sinh viên hay mất động lực trong cuộc sống, máy phim luôn là hành trang của anh. Có đôi chút buồn vì thấy ở Bắc Ninh không có nhiều người biết đến máy phim nhưng anh tin nếu các bạn biết tới nhiều hơn, có cơ hội trải nghiệm với nó, chắc chắn cũng sẽ yêu nó như anh bây giờ. Quán Cà Phê Inf sẽ là cầu nối để chia sẻ góc nhìn, gắn kết nhiệt huyết và tình yêu của những bạn trẻ đam mê máy phim.”

Ảnh: Hải Bằng 

Cuộc sống hiện đại làm chúng ta quên đi nhiều thứ, chuyến về thăm gia đình, đứa bạn thân đã lâu chưa liên lạc, huống chi là những thứ xưa cũ từng bị lãng quên. Nhưng tôi tin, đâu đó trên hành tinh này, đâu đó một bộ phận những con người yêu nhiếp ảnh thì máy phim đã thực sự trở thành văn hóa in đậm trong phong cách của họ. Nó có thể đi qua nhưng chắc chắn sẽ luôn tồn tại và phát triển bền bỉ theo thời gian.

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận

Nguyễn Thị Thùy Dương 23/10/2020

Bài viết rất hay, mặc dù mình là người không am hiểu về máy ảnh nhưng nhìn một người bạn của mình - cách anh ấy say sưa với máy phim, với từng bức ảnh là mình hiểu trước khi bấm phải cân đo, suy nghĩ, điều chỉnh như thế nào. Và những bức ảnh ra đời được trân quý bởi chứa những cảm xúc riêng mà khi xem ảnh số khó có thể cảm nhận được như vậy. Cảm ơn tác giả về bài viết!