;
Giỏ hàng

Từ lóng Gen Z - 3 phần khó hiểu 7 phần đáng yêu

Gen Z là thế hệ thông minh và sáng tạo, ngôn ngữ của họ sử dụng cũng vậy. Một ngày nào đó nếu vô tình nghe một bạn trẻ Gen Z nói rằng “đang cảm thấy Chằm Zn quá, khum muốn đi đâu chỉ muốn ở nhà thôi” và bạn gần như chưa “load” kịp thì xin chúc mừng, đây là lúc bạn cần học thêm về ngôn ngữ thế hệ Z để tránh rơi vào tình trạng “tối cổ” nhé. 

Chằm Zn là gì?

“Chằm Zn” là một cách gọi khác của tình trạng “trầm cảm”. Cụ thể ở đây, “Chằm” chính là cách nói khác đi của “Trầm”, còn Zn là ký hiệu hóa học của Kẽm phát âm khá giống “Cảm”.

Trầm cảm mặc dù là bệnh lý phức tạp và phổ biến nhất thế giới, nhưng đối với giới trẻ, “Chằm Zn” là cách để họ nói lên trạng thái tinh thần đang mệt mỏi, bất lực với mọi sự đời. 

“Chằm Zn” xuất hiện lần đầu tiên từ tháng 02/2021 từ Admin của fanpage Hội những người lười Việt Nam, nội dung là “Con chằm Zn, con chằm Zn lắm mẹ à” được viết lại từ lời bài hát Con nhớ nhà lắm của rapper Lil’S và Ry2c. 

“Chằm Zn” nghe có vẻ gây cười nhưng thực tế, theo kết quả khảo sát từ Deloitte (một trong những tập đoàn kiểm toán hàng đầu thế giới) tiến hành vào trước và sau đại dịch COVID-19 cho thấy, hai thế hệ Millennials và Gen Z thường gặp căng thẳng bởi họ lo lắng về tài chính, nghề nghiệp, sức khỏe, thiếu cân bằng giữa cuộc sống và công việc, cảm thấy bị tù túng…

Chính vì vậy, mặc dù là tiếng lóng phổ biến nhưng các bạn trẻ nên tiết chế và sử dụng đúng lúc để tránh tạo cái nhìn không đúng mực về căn bệnh trầm cảm - vốn vẫn chưa được quan tâm đúng mực. 

Khi nào thì Dảk và Bủh

Cụm từ thứ 2 khiến người đọc cảm thấy “tối cổ” khi xem tiếng lóng của thế hệ Z chính là “Dảk” và “Bủh”. 

“Dảk” và “Bủh” là cách viết lần lượt là của “Dark” và “Bruh” trong tiếng anh. “Dảk” là cách viết lỗi gõ tiếng Việt của Dark (tạm dịch: đen tối) và “Bủh” là từ lóng của Bro/Brother (tạm dịch: người anh em). 

“Bruh” trở nên phổ biến sau khi xuất hiện trên nền tảng chia sẻ Video - Vine. 

Tháng 05/2021, tài khoản với tên gọi Callhimbzra đăng tải 1 clip quay cảnh cựu ngôi sao bóng rổ Tony Farmer ngã gục tại tòa khi bị kết án 3 năm vì tội bắt cóc, cướp giật và hành hung bạn gái. Và tài khoản này cũng không quên lồng tiếng “bruh” khớp với khoảnh khắc ngã khụy của Tony. Từ trào lưu đăng tải clip kết hợp âm thanh “bruh” trở nên phổ biến với cộng đồng mạng. 

Trong khi đó “dark” hoặc “dark meme” được biết đến là hình thái của meme hài đen tối - được tạo ra để giễu cợt nỗi đau, mất mát, những vấn đề liên quan đến tôn giáo, giới tính… Đây cũng là kiểu meme gây nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng. 

Tại Việt Nam, “Dảk” và “Bủh” được sử dụng trong giao tiếp giữa các bạn Gen Z với nhau trong ngữ cảnh vui vẻ, gây cười và không mang nghĩa sâu xa như ý gốc của 2 từ này. 

Tại sao "khum"?

“Khum” là cách nói khác đi nghe có vẻ vui tươi và đáng yêu hơn của “Không”, được sử dụng phổ biến tại Fanpage Đài tiếng nói Gen Z. Cách nói có phần dễ thương này đã khiến “khum” được viral chóng mặt trên mạng xã hội. 

Về lâu dài không biết “khum” sẽ còn được thế hệ Z sử dụng nhiều nữa không nhưng ở thời điểm hiện tại, “khum” khiến giới trẻ phát cuồng vì độ đáng yêu mà nó đem lại khi sử dụng. 

Bạn có phải "Chmúa hmề" không?

Chưa kịp "load" xong các cụm từ trước thì cộng đồng lại một phen không hiểu "Chmúa hmề" là gì. Đơn giản đây là cách viết có phần “cồng kềnh” của từ chúa hề, "Chmúa hmề" = chúa hè, là cách viết để gọi những người hài hước hoặc có những tình huống xử lý hài hước. 

Trong nhiều ngữ cảnh, thì "Chmúa hmề" còn được sử dụng để cà khịa hoặc chế nhạo những người có hành vi không đúng đắn, ngang ngược, vô lý và mang tính chất tấu hài. 

Một số cụm từ khác cũng được viết cầu kỳ như "Chmúa hmề" có thể kể đến như: hmoàng hmôn, hmu hmu… Trong đó chữ “m” được viết vào trước tất cả nguyên âm để tạo thành một từ mới cùng nghĩa. 

''Gòy song"

“Gòy song” là cách viết được thế hệ Z sử dụng nếu muốn nói “rồi xong” hoặc “rồi”. Nhìn chung đây là cách viết khiến đoạn chat trở nên vui vẻ, hài hước. Cách viết này không theo quy luật và cũng chẳng mang ý nghĩa gì, chỉ là Gen Z thích thì Gen Z viết thôi. 

Bạn có đang "Fishu" không?

Trông có vẻ là tiếng Anh nhưng thực tế đây là ngôn ngữ Anh phiên bản Gen Z. 

Cụ thể, “Fishu” là tính từ mang ý nghĩa “Cáu”, là đứa con lai với sự kết hợp ăn ý và không theo một quy luật nào của thế hệ Z. Trong đó, FISHU với “fish” trong tiếng Anh nghĩa là “cá”, và khi kết hợp với hậu tố “u” trong tiếng Việt sẽ là “CÁU”. Không hề mang ý nghĩa gì liên quan đến hải sản. 

Đây là từ ngữ chỉ trạng thái bực dọc, cáu kỉnh, khó ở… Một kiểu tâm trạng không vui vẻ gì. Nhưng cách viết Fishu vô tình làm câu chuyện trở nên dễ chịu hơn, không còn căng thẳng như lúc mới “fishu” nữa. 

Không rõ ai là người sáng tạo ra “fishu” nhưng không thể phủ nhận, “fishu” rất được giới trẻ ưa chuộng và sử dụng trong các đoạn chat với nhau trên mạng xã hội, dù cụm từ mang ý nghĩa cáu kỉnh nhưng cách thể hiện lại vô cùng đáng yêu. 

Những từ ngữ được đóng mác Gen Z được viết mới lạ hơn, các từ ngữ được kết hợp với nhau có phần… ngang ngược nhưng lại mang đến niềm vui cho nhau trong những lúc căng thẳng thì không có gì để phản đối cả. Đừng quên cập nhật những cụm từ này vào từ điển để “load” kịp khi nói chuyện cùng Gen Z nhé. 

 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên