;
Giỏ hàng

8 nét tính cách ta có thể học được khi ở cạnh trẻ nhỏ

“Một linh hồn có thể được chữa lành khi ở cạnh một đứa trẻ”

 Fyodor Dostoevsky - nhà văn nổi tiếng người Nga đã từng nói như thế. Quan sát một đứa trẻ, chúng ta có thể nhìn thấy được tuổi thơ đã từng, học được nhiều tính cách thú vị. Chúng ta luôn có xu hướng dạy trẻ em học từ người lớn mà quên đi rằng, có rất nhiều điều mà một đứa trẻ thực sự làm tốt hơn người lớn rất nhiều.

Thể hiện tình yêu chân thật, tự do và thuần khiết

Nguồn: Pexels

Bạn biết không, trẻ em là thế hệ có xu hướng thân thiện, yêu quý người khác đơn giản vì thích chứ không có một mục đích nào khác đằng sau. Trong khi đó, người trưởng thành thường dành tình cảm nhưng vẫn phải có lợi ích nằm sau. Đó có thể là vì công việc, vì đối phương giống một ai đó hay có diện mạo quá xinh đẹp… 

Bài học đầu tiên mà bọn trẻ làm tốt hơn người trưởng thành chính là trao đi tình yêu chân thật, thuần khiết, không mong nhận lại bất cứ điều gì. 

Sự cảm thông 

Nguồn: Pexels

Sự cảm thông nghĩa là phải đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu những gì họ trải qua trước khi đánh giá hoặc phán xét, chuyện lớn hóa nhỏ chuyện nhỏ hóa không. 

Một ví dụ đơn giản, trẻ con khi đánh nhau thì chỉ cần một trong hai lên tiếng xin lỗi là có thế lại chơi cùng nhau. Trong khi người lớn ít có thời gian để đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác, nhiều người có xu hướng “ghim” lỗi lầm của đối phương mà ít khi quên hẳn.

Trẻ em luôn có sự cảm thông đơn thuần, các bé không có khái niệm thiệt hơn trong một mối quan hệ với các bạn cùng trang lứa và kể cả là đối với người lớn. 

Bài học về sự cảm thông là mọi thứ sẽ tốt đẹp và dễ chịu hơn nếu bạn có thể nhìn sâu vào đằng sau sự khó chịu, xấu tính, than phiền hay nỗi tuyệt vọng của người khác để thấy rằng họ cần sự giúp đỡ và an ủi ngay lúc này chứ không phải là sự quay lưng. 

Không ai là quá đáng sợ cả

Nguồn: Pexels

Là người trưởng thành, bạn sẽ bắt gặp đâu đó trong cuộc sống những “bộ mặt” đáng sợ như vị sếp nóng tính, chú bảo vệ có gương mặt khắc khổ, người bán hàng rong với hình xăm dữ tợn… Tất cả đều trông thật khó tính, khó gần và không dễ động vào. Nhưng thực tế những thứ bạn nhìn thấy chỉ là vẻ bề ngoài, đó không hẳn là bản chất của họ. 

Bạn đi công viên hoặc siêu thị sẽ gặp những đứa trẻ cười toe toét dù đó là người lạ. Những đứa trẻ chỉ có khái niệm người lạ hoặc quen, còn với vẻ bề ngoài của một người nào thì không phải là vấn đề để các bé sợ hãi. 

Bài học rút ra ở đây là một người “trông có vẻ đáng sợ” thực sự không có gì đáng sợ cả. Và khi bạn tiếp xúc với họ mới thấy, đó chỉ là vẻ ngoài che đậy cho sự yếu mềm bên trong, khi bạn hiểu rõ được những gì họ đã trải qua, bạn sẽ nhìn nhận lại thái độ của mình. 

Lòng vị tha và bao dung

Nguồn: Pexels

Một nghiên cứu của phó giáo sư ngành tâm lý học Felix Warneken tại Đại học Michigan (Mỹ) đã kết luận rằng từ khi còn rất nhỏ, trẻ em đã thể hiện các hành vi giúp đỡ và vị tha. 

“Trẻ em từ nhỏ đã có thể đặt vấn đề của người khác lên trước bản thân” - ông nói. 

Bằng những tình huống mà ông đặt ra khi thực hiện nghiên cứu, ông phát hiện ra rằng,  những đứa trẻ luôn sẵn sàng giúp đỡ cho đối thủ hoặc đối phương mà không cần phần thưởng hay lời khen ngợi trước khi bắt tay vào làm. 

Những điều này có vẻ như đi ngược lại với lối sống có phần “thực dụng” của người trưởng thành, tuy nhiên đó là một đức tính tốt cần phải duy trì từ nhỏ đến lớn. Bởi lòng vị tha, sự bao dung là cách để kết nối giữa con người với con người. 

Không suy diễn

Nguồn: Pexels

Suy diễn là thói quen không tốt mà nhiều người trưởng thành đang phải vật lộn mỗi ngày. Thay vì hỏi trực tiếp, họ lại chọn suy diễn sự việc theo hướng mà bản thân họ cho là đúng. Điều này chính là nhân tố góp phần giết chết các mối quan hệ. 

Trẻ em thì khác, trẻ em không suy diễn và không biết thế nào là suy diễn. Các bé chỉ biết rằng: “muốn biết phải hỏi”. Với những sự việc như xung đột với những bạn đồng trang lứa, các bé sẽ quên nhanh chóng và tiếp tục chơi đùa. 

Mọi người ai cũng từng là 1 đứa trẻ, trong quá trình tiếp xúc với nhau sẽ có những hiểu lầm, những bất đồng nhưng hãy thẳng thắn giải quyết với nhau trong hòa bình càng tốt, hạn chế việc suy diễn theo bản năng bởi vừa không giúp sự việc được giải quyết ổn thỏa, mà còn khiến bản thân không thoải mái gì.

Nói lời yêu thương với đấng sinh thành

Nguồn: Pexels

Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta sẵn sàng nói lời yêu thương đối với cha mẹ, sẵn sàng với những cái nắm tay, cái ôm và hôn lên má. Nhưng khi lớn lên, chúng ta lại ngại ngùng với những điều đã từng làm rất nhiều lần khi còn bé. 

Trong khi đó, các em bé chỉ đơn giản là quan tâm đến sự trìu mến, tiếng cười, sự dịu dàng. Dù đấng sinh thành có thể nào đi chăng nữa thì các bé vẫn luôn thích được ôm ấp, yêu thương, ríu rít những lời yêu thương với cha với mẹ. Chẳng phải tất cả chúng ta ai cũng từng là một em bé như thế hay sao?

Sâu thẳm trong mỗi cá nhân chúng ta đều vẫn yêu thương đấng sinh thành, tuy vậy việc nói ra bằng lời lại vô cùng khó khăn. Bài học đơn giản ở đây là hãy quay về với những gì chúng ta đã từng thực hiện khi còn bé, hãy nói lời yêu thương với đấng sinh thành khi còn có thể. 

Không để ý tới những điều nhỏ nhặt

Nguồn: Pexels

Càng trưởng thành, những niềm vui nhỏ nhặt dường như không còn khiến những người lớn bận tâm nữa. Đối với trẻ em, đơn giản một chiếc bóng bay đáng yêu, một ly sữa ngọt, cầu vồng sau mưa, một chú cún dễ thương, một bộ phim hoạt hình đơn giản… cũng khiến các bé thích thú, cười tươi và mãn nguyện. 

Trong khi đó, những vấn đề tưởng như có thể bỏ qua nhưng lại khiến người lớn trở nên bực dọc, khó chịu suốt cả ngày như: kẹt xe, nắng nóng, bị chen chân khi tính tiền lúc đi siêu thị chẳng hạn… Tất cả những thứ này sẽ chiếm chỗ đáng lẽ ra phải dành cho những niềm vui nhỏ nhặt trong ngày. 

Bài học ở đây là bạn phải hiểu rằng, cuộc sống là một bài hát, sẽ có lúc cao trào hạnh phúc lúc sâu lắng buồn bã. Và bạn chính là người có quyền chọn “nghe” đoạn nào để tốt cho bản thân. 

Luôn mỉm cười

Nguồn: Pexels

Có thể bạn chưa biết, tại các trường mầm non của người Nhật, các bé sẽ chỉ được học về cách sống thay vì học kiến thức toán, ngoại ngữ… những thứ thực sự quá tầm của tuổi mầm non. Ở Nhật, một cô gái chỉ cần luôn mỉm cười thì chính là người xinh đẹp nhất. 

Luôn mỉm cười và đứng vững trước những thử thách, nghe thì có vẻ sáo rỗng và đạo lý, nhưng có rất nhiều thứ lớn lao lại đến từ những điều nhỏ bé, cơ bản và gần như là hiển nhiên, cũng giống như nụ cười vậy. 

Những đứa trẻ luôn nhìn nhận cuộc đời một cách đơn giản, thiện lương và thuần khiết. Nếu bạn cảm thấy quá mệt mỏi, hãy kết nối với những “đứa trẻ” vốn có trong mỗi chúng ta, để học những bài học bị lãng quên, để xây dựng lại sự chân thật, bao dung và tình yêu thương chân thật nhất như bạn đã từng. 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên