;
Giỏ hàng

Bàn ăn từ mơ tưởng đến thực tế - Bàn ăn lý tưởng của Gen Z trông như thế nào?

Sắp xếp đồ ăn sao cho đẹp và “nghệ” nhất có thể và không quên các hashtag “food” khi đăng Instagram, đánh giá món ăn… là những gì cần mô tả về “sự thống trị” của thế lực khách hàng mới trong ngành F&B mang tên: Gen Z. Vậy một bàn ăn được cho là lý tưởng nhất mà Gen Z mong muốn sẽ trông như thế nào?

Nguồn: Pexels

Thế hệ chuộng thức ăn nấu sẵn

Gen Z - thế hệ những bạn trẻ sinh từ năm 1997 trở đi tại Việt Nam hiện có khoảng 14 triệu người. Khác với các thế hệ trước ưa chuộng bữa ăn được nấu tại nhà, thế hệ khách hàng mới trong ngành F&B này lại xem việc ăn ngoài là “lẽ sống”. Họ hoàn toàn có thể chi trả đến ⅓ thu nhập cho việc đi ăn ở ngoài mà không hề đắn đo.  

Nếu như các nhà hàng bình dân, đồ ăn vặt từng được “sủng ái” thì nay lại đang dần nhường chỗ cho các cửa hàng tiện lợi (cửa hàng 7-Eleven, Circle K, Familymart…), các chuỗi thương hiệu cung cấp thực phẩm nấu sẵn trong và ngoài nước (The Coffee House, Lotteria, KFC, McDonald…) hoặc những nhà hàng cao cấp, bar, club sang trọng, với không gian được trang trí tinh tế. 

Nguồn: Pexels

Không gian được bày trí "mlem" hơn cả món ăn

Không thể phủ nhận một điều rằng, sự lên ngôi của khách hàng hệ “Z” đã khiến các thương hiệu phải thay đổi cách phục vụ người tiêu dùng trẻ. 

Để tiếp cận Gen Z, những người chủ cung cấp dịch vụ phải hiểu rằng, Gen Z quan trọng trải nghiệm ăn uống hơn cả việc thưởng thức món ăn. Thế hệ này, họ gần như không thể đến nhà hàng nếu không đem theo điện thoại trong tay, bởi họ không đơn thuần là phụ thuộc công nghệ mà dùng công nghệ phục vụ cho nhu cầu thưởng thức - trải nghiệm. Họ cần một không gian đủ đẹp để check-in lúc chờ đợi món ăn hoặc để đăng lên mạng xã hội. 

Rất nhiều Z-ers trước khi quyết định đến thưởng thức món ăn ở nhà hàng thường phải xem xét hình ảnh món ăn có được trình bày thật “mlem” trên Instagram không, đánh giá từ khách hàng như thế nào rồi mới đến các yếu tố như giá cả, menu đa dạng. 

Nguồn: Pexels

Cởi mở với xu hướng thuần chay

Một khảo sát từ công ty nghiên cứu thị trường W&S về xu hướng ăn chay của người Việt Nam từ 16 tuổi trở lên cho thấy, tỷ lệ người thường xuyên ăn chay là 14,7%, thỉnh thoảng có ăn chay là 58,9% và rất hiếm khi ăn chay là 26,4%. Cho thấy người trẻ dù thích thú với ẩm thực đa dạng được chế biến từ thịt động vật như BBQ, nhưng họ vẫn cởi mở với xu hướng ăn thuần chay mặc dù tỷ lệ thường xuyên ăn chay vẫn thấp (chỉ chưa đến 15%). 

Việc thường xuyên ăn chay không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường đang dần trở nên ô nhiễm. 

Một nghiên cứu được công bố bởi tạp chí nghiên cứu ung thư Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention đã cho thấy, người thường xuyên ăn chay với chế độ giàu trái cây và rau củ tươi sẽ làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư so với người ăn nhiều đạm từ thịt động vật. 

Phần lớn giới trẻ đều muốn tìm những thức ăn phù hợp với nhu cầu của họ, các sản phẩm hữu cơ và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Họ muốn biết chính xác mình đang tiêu thụ những gì vào cơ thể. 

Nhiều người nổi tiếng tại Việt Nam công bố ăn thuần chay như diễn viên Angela Phương Trinh, Hoa hậu Trương Thị May cũng là cách để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về lợi ích của việc ăn chay, nhìn nhận khác hơn về việc ăn thuần chay hoặc đơn giản nếu họ chưa có nhu cầu theo chế độ thuần chay thì cũng không lên tiếng phản đối. 

Nguồn: pexels

Sẵn sàng thay 3 bữa ăn truyền thống bằng thức ăn nhanh

Các Z-ers biết bằng việc ăn thức ăn nhanh không hề tốt cho sức khỏe, họ đa nghi trước việc tiếp nhận thông tin hàng ngày nhưng lại sẵn sàng thay thế thức ăn truyền thống bằng thức ăn nhanh cho một ngày làm việc. Đây là điều thường gặp ở những nhân viên văn phòng - những người làm việc ở môi trường áp lực công việc cao, ít vận động. 

Một kết quả báo cáo của Segmanta trong năm 2020 về xu hướng chọn đồ ăn nhanh của người trẻ tại Mỹ cho thấy, có đến 51% người khảo sát đều nghĩ tới McDonald's khi muốn đặt thức ăn nhanh. 90% người khảo sát chọn dịch vụ giao thức ăn nhanh tận nơi kể từ khi COVID-19 bùng nổ. Điều này cho thấy, Gen Z hoàn toàn thích nghi được với việc dùng thức ăn nhanh thay thế thức ăn truyền thống khi cần thiết. 

Bên cạnh đó, đơn giản như cái tên của nó, “thức ăn nhanh” có thể đặt cực nhanh, khiến người ăn nhanh no, và cũng đẩy nhanh quá trình xuất hiện các bệnh thường gặp ở người nghiện đồ ăn nhanh: tim mạch, tiểu đường, thận, gan và suy giảm hệ miễn dịch.

Thích nghi là điều tốt, nhưng thích nghi với lối sống thức ăn nhanh thì hoàn toàn không tốt chút nào. 

Nguồn: Tuổi trẻ thủ đô

Food reviewer là bạn đồng hành chất lượng

Food reviewer là những người chuyên thưởng thức và đánh giá đồ ăn cho người xem. Rất nhiều người có thể quyết định đi đến quán và thưởng thức hay không chính là nhờ những food reviewer này. 

Tại Việt Nam, những “food reviewer” chất lượng đáng xem nhất có thể kể đến như: Khoai lang thang, Nofoodphobia, Woossi, Ninh Tito, Ăn sập Sài Gòn… Tính đến năm 2021, food reviewer có thể xem như một “nghề” để làm việc và kiếm tiền như bất kỳ nghề nào khác trên thế giới. 

Những food reviewer này đều có đặc điểm chung là đánh giá khách quan, chi tiết và không mang nhiều nhận xét chủ quan. Bên cạnh đó, họ chăm chỉ đi đến thưởng thức và giới thiệu văn hóa ẩm thực vùng miền vô cùng đa dạng để mang đến sự hấp dẫn cho người xem trong từng video review. 

“Bàn ăn” của Gen Z gần như khác hẳn so với các thế hệ trước. Và với thói quen chuộng đồ ăn có sẵn, tin tưởng các food reviewer, yêu thích mọi hoạt động gắn liền với thiết bị di động, thì Gen Z hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cơ hội và định hướng mới mẻ cho ngành F&B trong tương lai. 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên