;
Giỏ hàng

Một cái nhìn khác về việc chia tay

Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng thật là kỳ lạ và khó coi khi bàn tới chủ đề chia tay trong tháng 2 - tháng của tình yêu, tháng có ngày lễ tình nhân mang hàm ý đầy lãng mạn và hạnh phúc. Có nhiều lý do mà chúng ta tránh nói về việc chia tay: có thể vì truyền thống châu Á chúng ta thường tránh nói về những “điềm rủi”, sợ điềm rủi này “linh ứng”, cũng có thể vì đây là chủ đề mà chúng ta thường chẳng vui vẻ gì mấy khi nhắc đến. Lâu dần, chúng ta coi chia tay, hay tệ hơn là ly hôn, là một sự kiện thảm họa không hơn không kém, chẳng có gì đáng phải bàn tới. Và kết quả là: chúng ta trở nên đầy phiến diện và đối xử bất công với chia tay - một sự kiện mang nhiều ý nghĩa hơn là đánh dấu cột mốc hai-người-không-còn-ở-bên-nhau. 

Tại sao bạn phải thay đổi góc nhìn về việc chia tay? Bởi vì, phần lớn chúng ta đang chịu nhiều khổ đau và dằn vặt vì nhìn sự kiện chia tay dưới đúng một lăng kính. Chúng ta được dạy rằng chia tay là thứ gì đó cần phải né tránh, là một thảm họa khiến con người khổ đau. Chúng ta đâm ra sợ chia tay đến mức cưỡng ép một mối quan hệ vốn đã chẳng thể tiếp tục được nữa phải tiếp tục cho bằng được. Chúng ta nghĩ rằng chia tay luôn luôn là thuốc độc, lại chẳng hề nghĩ rằng đôi khi nó chính là thuốc giải. Những điều mà chúng ta mặc định bấy lâu về tình yêu, về chia tay, hóa ra chỉ là một góc trời rất nhỏ của cả một vùng trời bao la.

Đổ vỡ trong tình yêu không phải là một loại thất bại

Chia tay đồng nghĩa với thất bại trong tình yêu là suy nghĩ mặc định và điển hình của phần lớn chúng ta. Khi tâm sự với ai đó rằng chúng ta đang trải qua một cuộc chia tay, người đối diện thường có phản ứng cảm thông, an ủi, coi đó là một sự kiện tiêu cực. Hãy tỉnh táo trước phản ứng ấy của những người xung quanh, đừng vì thế mà cho rằng bạn vừa trải qua một sự kiện gì đó đáng buồn và đáng tiếc. Nếu không còn có thể chung đường, thì dù bạn đã cùng người đó trải qua 2 năm, 5 năm hay 10 năm bên nhau thì quyết định chia tay của bạn vẫn luôn đúng đắn. Hãy tự chúc mừng bản thân và người đồng hành cũ của bạn, tán thưởng những gì hai bạn đã dành cho nhau, biết ơn vì những đóng góp của cả hai trong mối quan hệ.

Nguồn ảnh: Unsplash

Có một loại cơ chế phản ứng cực kỳ nguy hiểm của chúng ta khi đối diện với việc chia tay đó là phủ nhận hoàn toàn mối quan hệ. Hãy tưởng tượng xem, bạn và người đó đã có 3 năm bên nhau đầy hạnh phúc và kỷ niệm, nhưng chỉ vì mối quan hệ đó không thể kéo dài mãi mãi, bạn liền coi 3 năm đó như chưa hề xảy ra, tất cả những gì từng tốt đẹp, từng khiến bạn cười, từng khiến bạn hạnh phúc dâng trào đều bị bạn gán cho hai chữ “vô nghĩa” và “thất bại”. Đây là một cơ chế tự động của não bộ, đã được phát hiện trong một nghiên cứu: Những người tham gia nghiên cứu khi đi du lịch có ấn tượng nhất với điểm cao trào và điểm kết thúc của chuyến đi. Điều đó có nghĩa là, sau một mối quan hệ, những gì lưu lại trong tiềm thức của bạn là trận cãi vã to nhất và sự kết thúc của hai người. Bạn quên mất rằng trừ điểm cao trào và điểm kết thúc đó ra, bạn đã có một khoảng thời gian rất dài hạnh phúc cùng người ấy. Chia tay là một sự kiện đáng buồn, nhưng những gì bạn từng trải qua vẫn rất đáng giá. Đừng gắn cho một mối quan hệ cái mác “thất bại” chỉ vì hai người đã không còn bên nhau. Đừng sợ chia tay, cũng đừng né tránh nó. Vì đôi khi, nó là giải pháp hóa giải cho cả hai, để hai bạn có một cuộc sống tốt hơn.

Đôi khi, không ai trong hai người trong cuộc là có lỗi

Một phản ứng nữa của chúng ta khi chia tay là quy kết trách nhiệm. Để dẫn đến sự việc chia tay, chúng ta thường nghĩ rằng chắc chắn bên trong có lỗi của ai đó. Tại anh không đủ bao dung em. Tại em luôn bướng bỉnh, bất cần, nóng tính, khó chiều. Chính vì đổ lỗi qua lại mà hình ảnh của đối phương sau sự kiện chia tay trở nên càng xấu xí, càng đáng ghét. Nhưng bạn biết không? Đôi khi trong một mối quan hệ, chẳng ai có lỗi cả. Những sự việc xảy ra đều là kết quả tất yếu của một chuỗi những hành động của bạn và của đối phương. Anh ấy/cô ấy đôi khi không cố ý làm tổn thương bạn. Bạn cần hiểu được rằng, đôi khi, một sự kiện vẫn có thể diễn ra dù cho những người trong cuộc chẳng có ai có “âm mưu”, ý đồ hay tính toán gì cả. 

Nguồn ảnh: Pinterest

Và dù có một ai đó trong hai người thực sự có lỗi đi chăng nữa, thì đổ lỗi cũng chẳng giúp ích được gì, chỉ khiến bạn thêm khó chịu mà thôi. Sai lầm của nhiều người khi chia tay là chỉ chú tâm vào những mặt xấu nhất của đối phương, nghĩ rằng nếu làm như vậy thì trong lòng sẽ yên bình hơn. Nhưng tác động về lâu về dài của nó là bạn chẳng còn nhớ những điều tốt đẹp của mối quan hệ nữa. Trong khi bạn đang nghĩ rằng chứng minh mình chẳng có gì sai trong mối quan hệ và tất cả lỗi lầm đều là do đối phương mà ra là cách để bạn “được” nhiều hơn, thì thực tế lại là bạn đang tự khiến cho mình “mất” nhiều hơn. Bạn đánh mất những ký ức quý giá một cách vô cùng đáng tiếc. 

Nuối tiếc khác với hối tiếc

Sai lầm lớn nhất của chúng ta sau khi chia tay là nhầm lẫn giữa nuối tiếc và hối tiếc. Khi chia tay, chúng ta thường buồn khổ rất nhiều, nuối tiếc những tháng ngày bên nhau. Đó là phản ứng hoàn toàn bình thường, đôi khi còn rất tốt vì điều đó chứng tỏ bạn vẫn trân trọng những gì tốt đẹp từng có giữa hai người. Nhưng vấn đề chính thức phát sinh khi bạn bắt đầu lẫn lộn nó với cảm xúc hối tiếc - hối tiếc vì mình đã quyết định chia tay, không biết đó có phải là một quyết định đúng không. Bạn hãy nhớ rằng, việc bạn nuối tiếc những tháng ngày đẹp đẽ không có nghĩa là sự kiện chia tay không nên diễn ra. Một mối tình chấm dứt khi nó nên chấm dứt vẫn để lại những thương tổn và dằn vặt như thường. Bạn hãy nhớ, nuối tiếc, tưởng nhớ đến những ký ức đẹp là điều tốt; nhưng không phải vì thế mà bạn hối tiếc việc hai người đã chia tay.

Nguồn ảnh: Unsplash

Có một câu thành ngữ Trung Quốc rất hay mà tôi thích, là: Lan nhân thứ quả, ý chỉ một cuộc hôn nhân vô cùng hạnh phúc và viên mãn, nhưng lại kết thúc trong đau thương. Chúng ta nên đối diện với cái kết thúc ấy như thế nào nhỉ? Tôi cho rằng cách đối diện hợp lý nhất là cứ để cái kết tất yếu ấy phải diễn ra, trong khi không vì cái kết buồn mà phủ nhận toàn bộ diễn biến tốt đẹp của nó. Bạn cần chấp nhận rằng có những tình yêu dù đã thăng hoa rồi, nhưng cũng không có nghĩa là nó không có quyền kết thúc, và khi nó kết thúc rồi, thì cũng không có nghĩa rằng đó là một cuộc tình buồn bã, bi đát, thất bại, thảm thương. Khi bạn hiểu được rằng dù hai người có chia tay đi chăng nữa, thì những tháng năm hạnh phúc đó vẫn không thể thay đổi, và bạn có quyền giữ lấy những điều tốt đẹp ấy cho riêng mình, thì bạn sẽ có đủ dũng khí để cho cuộc tình này trôi vào quá khứ và sống thật vui vẻ, an nhiên. 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên