;
Giỏ hàng

Với thế hệ trẻ, liệu bữa cơm gia đình có còn quan trọng?

Thế hệ trẻ, hay cụ thể hơn là Gen Z là một thế hệ sinh ra và lớn lên cùng với sự phát triển và bùng nổ của Internet. Trong một xã hội luôn đổi mới với công nghệ, nhịp sống nhanh và bận rộn là một lẽ dĩ nhiên, cùng theo đó hình ảnh mọi người trong gia đình cùng ngồi lại bên mâm cơm lại càng trở nên quý giá. Vì thế, đôi khi ta thắc mắc rằng, liệu bữa cơm gia đình có còn quan trọng đối với thế hệ trẻ 

Hãy cùng elLotte tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Bữa cơm tối - nét văn hóa truyền thống trong gia đình người Việt hiện đại

Hầu hết các gia đình Việt đều có truyền thống là cùng tụ họp bên bữa cơm tối sau một ngày dài làm việc và học tập. Bữa cơm là lúc cả nhà có mặt ngồi quây quần quanh mâm cơm, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện, mẹ hỏi con, cháu hỏi bà ríu rít; không khí ấm cúng của mâm cơm gia đình.

Nguồn ảnh: Pinterest

Những bữa cơm gia đình quan trọng không ở chỗ nhiều món ăn ngon mà là ở không khí đầm ấm, tuy có khi chỉ là bát canh rau muống luộc, chút dưa tương, không thịt, không cá, nhưng đầy đủ mọi thành viên trong gia đình… Những giây phút cùng nhau tận hưởng, chìm đắm trong tình yêu thương, niềm hạnh phúc gia đình mới là mục đích chính của bữa cơm sum vầy chứ không hẳn là vì món ăn ngon. Đó mới là ý nghĩa đích thực và sâu sắc của mâm cơm gia đình.

Khi những bữa cơm tối vô tình trở thành gánh nặng...

Đó là suy nghĩ của không ít bạn trẻ hiện nay khi nghĩ về bữa cơm tối. Họ sợ những kỳ vọng của bố mẹ, những lời hỏi han thông thường đôi khi trở thành gánh nặng và nỗi lo lắng của những bậc làm cha làm mẹ. 

“Bao giờ lấy vợ/ lấy chồng?” hay “công việc/học hành như thế nào” là những câu hỏi đã tạo nên áp lực vô hình đè nặng trên vai những người trẻ. Đối với mỗi người cha người mẹ, việc hỏi thăm tình hình của con mình chỉ là một điều hiển nhiên để biết được con mình có gặp khó khăn, rắc rối gì không để họ có thể sẻ chia hay giúp đỡ.

Tuy nhiên, một lời hỏi thăm nhỏ nhẹ như vậy thôi cũng trở thành áp lực cho con cái, bởi suy nghĩ giữa hai thế hệ thời nay đã có khoảng cách khá lớn. Giới trẻ hiện đại không chỉ chịu áp lực cao độ từ tình yêu, học hành mà còn phải lo lắng, nỗ lực cho con đường sự nghiệp phía trước. Đôi khi, những mâu thuẫn xảy ra do khoảng cách giữa các thế hệ càng khiến cho những người trẻ không muốn trở về nhà ăn cơm cùng gia đình vì muốn trốn tránh những câu hỏi khó trả lời và đầy áp lực kia.  

Nguồn ảnh: Pinterest

Hay cuộc sống và công việc đã chiếm lấy thời gian dành cho bữa cơm gia đình

Người trẻ muốn tự đi trên đôi chân của mình, muốn kiếm ra tiền từ chính đôi bàn tay trắng để khẳng định với cha mẹ rằng họ đã trưởng thành, đã đủ bản lĩnh để gánh vác cuộc sống của mình, chăm sóc cho cả cha mẹ.

Kết quả khảo sát của nhà nghiên cứu Oh Yoo-jin của Viện Y tế Hàn Quốc được công bố vào năm ngoái chỉ ra nhiều lý do khiến người Hàn ít ăn tối ở nhà hơn.

Đối với nhóm thuộc độ tuổi 20, 24% cho biết họ không sắp xếp được thời gian, 23% không có ai ăn cùng.

Còn với những người 30 tuổi trở lên, lý do phổ biến nhất là không có người ăn cùng (38%), tiếp theo là không có thời gian (21%).

(Source: Zing.vn)

Nguồn ảnh: Pinterest

Cuộc sống bận rộn với nhịp sống gấp gáp đã cuốn họ đi theo guồng quay công việc, theo những cuộc gặp gỡ, vui chơi cùng bạn bè và đồng nghiệp. Với nhiều áp lực xảy ra ở giai đoạn tạo dựng sự nghiệp, thời gian rảnh để làm điều mình thích dần trở nên xa xỉ với giới trẻ. Thời gian quý giá ấy chỉ gói gọn trong những giây phút ngắn ngủi sau giờ tan ca, sau cánh cổng trường rộng lớn và tập trung vào các bữa ăn khi quay trở về nhà lại là lựa chọn cuối cùng của họ.

Nhưng trên hết, gia đình và những bữa cơm nhà vẫn là những điều không thể thiếu trong cuộc sống của họ

Dù cho cuộc sống có bận rộn, thời gian có eo hẹp hay khoảng cách giữa các thế hệ có lớn đến đâu, tụ họp trong bữa cơm tối của gia đình hay những bữa cơm cuối tuần vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những người trẻ. Họ vẫn luôn dành thời gian, dù ít hay nhiều để có thể ngồi bên mâm cơm, trò chuyện cùng cả gia đình, cùng xem chương trình thời sự 19h. 


Nguồn ảnh: Internet

Không phải tự nhiên, mà trở về nhà và cùng ngồi bên mâm cơm lại trở thành một nét văn hóa của người Việt qua bao đời. Mâm cơm tất niên chiều cuối năm là một ví dụ. Dù có bận rộn cỡ nào, xa xôi bao nhiêu thì mỗi chiều 30 tết, những người con lại trở về, cùng cha mẹ ngồi bên mâm cơm tất niên, chào một năm cũ đã qua và cùng đón chờ một năm mới. 

Vậy, với câu hỏi mà chúng ta hỏi nhau ở đầu bài viết này, thì câu trả lời sẽ là có quan trọng, nhưng sự quan trọng ấy sẽ được thể hiện qua nhiều cách khác nhau, ở những thời điểm khác nhau. 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên