;
Giỏ hàng

Tuổi trẻ chênh vênh: càng tự do lựa chọn, càng bế tắc trước tương lai

Nhắc đến Gen Z, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến một thế hệ tự tin, thông minh, dễ dàng bắt nhịp cuộc sống và nhất là có tư duy nghề nghiệp đa dạng. Họ không giới hạn bản thân ở lối mòn hay công thức nào, họ có thể khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận, đầu quân cho startup hoặc không ngần ngại dấn thân vào con đường Freelancer.

Tuy vậy, tư duy nghề nghiệp đa dạng nhìn về mặt tích cực thì sẽ tạo ra nhiều cơ hội so sánh và lựa chọn hơn, nhưng cũng vô tình gây khó khăn trong việc ra quyết định. Trong tâm lý học, điều này còn được mô tả thông qua hội chứng có tên: FOMO - Lo sợ bỏ lỡ điều gì đó (Fear of Missing Out).

Thời đại thừa mứa thông tin, quá nhiều lựa chọn

Bạn biết không, chúng ta đang sống trong thời kỳ được gọi là bội thực thông tin, khi mỗi ngày, lượng thông tin được tạo ra lên tới 2,5 tỷ tỷ bytes (Forbes, 2019). Báo cáo từ Vietnam Digital Advertising 2019 cho thấy, người Việt online khoảng 7 giờ đồng hồ/ngày, và 2,5 giờ đồng hồ mỗi ngày họ dành cho việc lướt newfeed trên mạng xã hội. 

Nguồn ảnh: Talk Beauty

Gen Z - đối tượng trẻ trung, thích cập nhật tin tức qua mạng xã hội hơn là báo đài, bản tính ưa cạnh tranh và tất nhiên là họ bắt trend cực kỳ nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải thông tin nào trên mạng xã hội cũng đáng tin cậy và được xác thực. 2 thể loại thông tin dễ khiến Gen Z rơi vào bế tắc là chính Fake news - tin giả và Pseudoscience - Ngụy khoa học. 

Nếu như Fake news là tin sai lệch với thực tế, có thể dễ dàng kiểm chứng nếu có thời gian, thì thông tin ở dạng Pseudoscience khiến người đọc lầm tưởng đó là thông tin chính xác nhưng thực tế lại là mạo danh khoa học. Pseudoscience với các thông điệp sai lệch thực tế có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều cuốn sách Self-help nổi tiếng. 

Pseudoscience hiểu đơn giản là những thông tin đọc thì có vẻ thuyết phục nhưng nếu xét kỹ lại thì lại không tuân theo một quy chuẩn khoa học hay nghiên cứu nào. Ví dụ có thể kể đến như: vi lượng đồng căn, phân tích chữ viết tay, chiêm tinh học… Đặc điểm của Pseudoscience thường là chỉ dựa trên những kinh nghiệm của 1 vài cá nhân, chưa qua kiểm chứng hay nghiên cứu quy mô cộng đồng, rất khó để xác thực tính đúng hoặc sai của thông tin đó

Những tấm gương khởi nghiệp thành công, những câu chuyện kinh doanh được vẽ vời và đơn giản hóa đến mức bất ngờ, những thông điệp về thành công truyền tải méo mó, không trọn vẹn và bị tách rời ngữ cảnh khiến nhiều bạn trẻ, nhất là thế hệ Gen Z lầm tưởng thành công đến quá dễ dàng, từ đó tác động đến việc ra quyết định và ảnh hưởng đến cuộc sống về sau. 

Mặt trái của tự do lựa chọn

Gen Z - họ may mắn vì có quá nhiều lựa chọn, tuy nhiên họ cũng dễ rơi vào bế tắc vì không biết nên lựa chọn thế nào mới là phù hợp. Quá nhiều lối đi đôi khi lại là một điều khủng khiếp, bởi việc ra quyết định tốt nhất sẽ vô cùng mất thời gian. 

Họ rơi vào khủng hoảng không phải vì không có lối đi, mà họ chênh vênh vì sợ nếu chọn điều này có thể sẽ bỏ lỡ một điều khác tốt đẹp hơn. 

Một bài báo được đăng trên tờ New York Times năm 2010 nói về tâm lý học lựa chọn cho thấy, khi con người có quá nhiều lựa chọn, thì điều này có thể khiến họ trở nên tê liệt trong việc ra quyết định có lợi nhất. 

Ở đầu bài viết, chúng tôi có nhắc về Hội chứng FOMO - Lo sợ bỏ lỡ điều gì đó (Fear of Missing Out”. Vậy hội chứng này sẽ khiến chúng ta cảm thấy bất hạnh và khó chịu như thế nào?

  • Tê liệt khả năng phân tích: Bởi khi có quá nhiều lựa chọn, chúng ta rất khó để ra quyết định, dẫn đến hành động… không muốn làm gì cả. 

  • Hối tiếc về việc không lựa chọn: Đứng trước nhiều ngã rẽ, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng ngã rẽ hoàn hảo nhất đang lẩn khuất đâu đó trong mớ hỗn độn này, và điều bạn đang chọn không phải là hoàn hảo. Nhưng bạn biết không, khái niệm hoàn hảo không có chỗ đứng ở các ngã rẽ tương lai. Áp lực phải lựa chọn hoàn hảo vô tình khiến bạn luôn cảm thấy hối tiếc. 

Chính vì thế, không quá đáng khi nói rằng FOMO chính là điều bất hạnh nhất trong cuộc sống hiện đại, bởi ngay cả những lựa chọn tưởng chừng như đơn giản cũng khiến Gen Z cảm thấy họ đang thất bại, đang gặp khủng hoảng trầm trọng vì dường như đã chọn sai đường. 

Cách đơn giản để thoát khỏi hội chứng này chính là tập lối sống JOMO - Niềm vui khi bỏ lỡ điều gì đó (Joy of missing out). Không có khái niệm hoàn hảo nhất, chỉ có khái niệm phù hợp nhất. Trong thời điểm bạn lựa chọn, chỉ cần lựa chọn đó phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn của bạn là được. 

Nguồn: Qrius

JOMO - học cách vui vẻ dù cho bỏ lỡ điều gì đó

JOMO - Joy of missing out - Niềm vui khi bỏ lỡ những điều gì đó. Đây là liều thuốc dành cho những bạn trẻ chưa thực sự tập trung vào bản thân, có xu hướng so sánh bản thân với người khác. 

Một ví dụ rất đơn giản, bạn lướt newsfeed và bắt gặp nhiều bạn bè đi du học khắp nơi, riêng bạn học 1 trường đại học trong nước. Trong 1 khoảnh khắc bất chợt, bạn sẽ có xu hướng so sánh bản thân với bạn bè. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ kỹ lại về mục đích ban đầu của bạn là gì, tại sao bạn không chọn đi du học, và vẫn tiếp tục với việc học tập của mình thì xin chúc mừng, bạn đạt đến tinh thần “JOMO” rồi đó. 

Để rèn luyện lối sống JOMO, bạn phải học cách:

  • Nghiêm túc với mục đích mà bản thân đã đề ra từ ban đầu
  • Học cách nói “không” với tâm lý so sánh tiêu cực, tâm lý xấu hỏi và sự thiếu quyết đoán
  • Chấp nhận thực tế là mỗi người chỉ có thể hoàn thành tốt 1 mục tiêu duy nhất tại 1 thời điểm

FOMO có thể khiến cuộc sống của bạn bế tắc hơn, nhưng JOMO thì không! Vì vậy hãy chọn lối sống có ích nhất cho bản thân nhé. 

Chọn lọc thông tin đúng cách để ra quyết định đúng đắn hơn

Sống trong thời đại thừa mứa thông tin, bạn càng phải học cách chọn lọc thông tin để nhận diện thông tin nào có ích, thông tin nào độc hại cần phải loại bỏ. 

Thứ nhất: Nhận diện thông tin xấu, độc hại

Đó là những thông tin gây hoang mang, khiến tâm lý của bạn trở nên tiêu cực, mất niềm tin vào mọi thứ, kéo bạn vào vùng trũng không muốn tiếp tục lựa chọn của mình. 

Thứ hai: Học cách report để loại bỏ tin xấu

Để làm được điều này, bạn cần có 1 chút kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản để ẩn, chặn, báo xấu (report)... để ngăn các thông tin độc hại trở nên phổ biến. 

Thứ ba: Chọn đúng kênh để học

Có rất nhiều website uy tín cung cấp thông tin cho bạn ở lĩnh vực bạn cần, hãy Google và tìm chúng. Thông tin trên mạng xã hội, từ các influencer, KOL… là những thông tin chưa xác thực và mang màu sắc chủ quan của riêng họ, chưa chắc đã phù hợp với bạn. 

Thứ tư: Học cách phản biện, đặt câu hỏi, xem xét thông tin khách quan, đa chiều

Gen Z là thế hệ nhanh nhạy với thông tin mới nhưng đừng quên việc xem xét thông tin khách quan, đa chiều, đặt câu hỏi và xem xét thông tin kỹ càng trước khi tin tưởng hoặc sử dụng. 

Nguồn ảnh: Verdict

Đừng cứ mãi chọn lựa, hãy thử làm trước đi!

Hãy tận dụng ưu thế của Gen Z là khả năng tiếp thu kiến thức cực nhanh, nắm bắt nhiều chủ đề phong phú và các nguồn thông tin đa dạng để phục vụ cho việc ra quyết định của bạn. Nếu cảm thấy quyết định không phù hợp, hãy mạnh dạn thay đổi hướng đi mới. 

Đó có thể là ngành học, là công việc yêu thích, là chọn ngôn ngữ thứ 2 thứ 3 cần học, đó cũng có thể là nơi ở mới hay môi trường làm việc… Sẽ không ai có thể giúp bạn đưa ra câu trả lời hoàn hảo nhất, bởi đáp án đúng nhất chỉ có bản thân bạn tự tìm ra. 

Bạn đam mê trở thành MC, nhưng MC cũng có nhiều môi trường làm việc, đó có thể là dẫn các bản tin kinh tế, bản tin chính trị, bản tin dự báo thời tiết, MC cho sự kiện âm nhạc, MC cho các cuộc thi thể thao điện tử… Nếu bạn không bước chân vào thử, bạn cứ ngồi cân nhắc và lựa chọn, thì mãi mãi cũng không biết đâu mới là lĩnh vực dành cho mình. 

Về cơ sở để ra quyết định, thì bạn có thể kết hợp giữa việc tìm một công việc và thử sức, tham khảo từ các nhân vật có tiếng trong lĩnh vực mình quan tâm, tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội để có thông tin đa chiều hơn. 

Khủng hoảng và bế tắc trước tương lai của Gen Z sẽ không tồn tại lâu. Tuy nhiên, nếu bản thân người trẻ không hành động, thì họ sẽ mãi chìm trong biển lựa chọn mà không đạt được một kết quả cụ thể nào. 

Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên