;
Giỏ hàng

LV. Lâm: “Mình từ bỏ những thứ mang tính chất định kiến để thử nghiệm những cái mới”

“Mọi hạnh phúc trên đời đều xuất phát từ bữa sáng nhàn nhã.” 

John Gunther đã nói vậy khi ông đề cập tới hạnh phúc. Có lẽ ẩm thực là để tìm thấy bình yên, tìm thấy cái “nhã” không chỉ trong món ăn mà còn trong tâm tưởng. Và với LV. Lâm - Chàng trai Hà Nội có cho mình nhiều trải nghiệm về ẩm thực, cũng không phải ngoại lệ. Trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, Lâm đã mang đến một chữ “Nhã” thật khác, thật đặc biệt về ẩm thực Việt Nam, về hành trình trưởng thành để có thể vượt qua “định kiến” trong ẩm thực.

Hãy cùng dành chút thời gian, lắng nghe về chữ “Nhã” trong ẩm thực cùng những chia sẻ của LV. Lâm nhé!

Động lực nấu ăn được thúc đẩy từ sở thích khác...

Có lẽ cột mốc là khi mình vào đại học, bố mẹ bắt đầu có tư tưởng “Lớn rồi con tự lo đi” và mình phải tự “mò” vào bếp. Nhưng nếu chỉ nấu một bữa cơm thông thường thì chưa thể trở thành đam mê được. Lúc đó, mình có sở thích là chụp ảnh. Mình bắt đầu học cách bài trí các món ăn sau đó ghi lại hình ảnh và đưa lên blog. Vừa làm content vừa khám phá những món ăn mới, dần dần chụp ảnh thúc đẩy mình tìm hiểu về ẩm thực, rồi mình gắn bó thành công việc. Ai cũng có thể biến đam mê trở thành thứ gì đó nghiêm túc, mình nghĩ rằng khi phải làm công việc mà bản thân không thích, mỗi ngày thức dậy đi làm như 1 cực hình vậy. Ngược lại, với việc mình có đam mê, mình sẽ có cách vượt qua mệt mỏi mỗi ngày, biết làm mới công việc chứ không chỉ thụ động làm theo người khác. Những ý nghĩ như vậy giúp mình kiên định với những gì đang làm cho đến ngày hôm nay.

 

Từ trải nghiệm thực tế để vượt qua định kiến…

Năm 2019, mình có cơ hội được đi theo khuôn khổ của chương trình Lexus “Escape to Amazing”. Nhờ chương trình, mình đã khám phá ra được một câu chuyện rất hay của Khu vực Tây Úc. Điểm làm nên nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Úc hiện đại chính là ở sự kết hợp giữa đồ ăn Phương Tây với việc sử dụng gia vị lấy từ các nguyên liệu của Thổ dân bản địa Úc. Họ đã làm nên sự riêng biệt của mình bằng cách đưa bề dày văn hóa hàng nghìn năm vào trong đồ ăn phương Tây và tạo ra một trường phái ẩm thực của riêng họ. Điều này mang đến cho mình một bài học là thực ra không nhất thiết phải giữ mọi thứ quá cứng nhắc, đôi khi bản thân thấy cái gì hợp với nhau thì cứ thử kết hợp, cứ thử tạo ra cái mới xem sao. Tuy nhiên, dù có thay đổi hay biến hóa thì cũng cần tuân theo 1 nguyên tắc là chúng ta đừng bao giờ vi phạm đến những điều gì liên quan đến cổ điển. Bởi lẽ truyền thống và đương đại luôn song hành cùng nhau. Phải hiểu được truyền thống mới có thể hiểu được đương đại, hiểu được những cái hay trong đó.

Nguồn ảnh: elLotte.vn

Điểm nhấn đặc biệt trong những món ăn mà mình tự sáng tạo thường sẽ có xu hướng Âu - Á kết hợp một chút, Fusion 1 chút. Câu chuyện về Fusion được tạo nên ở quá trình mình trưởng thành dần trong nấu ăn, mình nghĩ là khi chúng ta chưa có nhiều kiến thức hoặc chưa thực sự tự tin vào bản thân, chúng ta sẽ hay bị làm theo khuôn mẫu, đôi khi thay đổi một chút, hiểu được vấn đề và linh hoạt thay thế bằng những nguyên liệu tương đương cũng đâu có sai. Nói chung nó sẽ là quá trình mình trải nghiệm, mình từ bỏ những cái mang tính chất định kiến, đủ bản lĩnh thử nghiệm những cái khác lạ. Định kiến thường xuất hiện khi mà chúng ta chưa trải nghiệm đủ nhiều, còn khi trải nghiệm đạt đến mức độ nhất định, chúng ta sẽ thấy là những thứ mà mình thường chê bai, hạn chế động tới, cũng có cái hay riêng.

“Đứa con cưng” của hiện tại -  Nhã Culinary Space

“Nhã” có nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng chữ “nhã” mà mình chọn cho “Nhã Culinary Space”, mình lấy ra từ “nhã nhặn”, “nho nhã”. Mình mong muốn đó chính là cảm giác mà mọi người có được khi nấu ăn ở “Nhã Culinary Space”. Khi chúng ta đến đây không phải chúng ta nấu một món ăn cho xong việc hay để phục vụ người này người kia. Mà chúng ta tìm đến “Nhã” như là 1 nơi giải trí với thú vui ẩm thực của riêng mình, thời gian ở “Nhã” giúp bạn xả stress, lấy lại cân bằng cuộc sống, tìm thấy niềm vui và bình yên. Ví dụ như khi ai đó hỏi đi đâu đấy? Mình có thể trả lời là “Đi nấu chỗ này, nhã cực!”. Đó là ý tưởng ban đầu lúc mình đặt cái tên này. 

Hình ảnh 1 buổi workshop của Lâm tại Nhã Culinary Space - Nguồn: Nhã Culinary Space Fanpage

Bình tĩnh xây dựng chữ “Nhã” cả trong phong cách làm việc…

Mình nghĩ rằng sự bình tĩnh là đức tính cần tôi luyện vì không phải ai cũng có được sự bình tĩnh ngay từ đầu. Sau những lần mình nóng nảy, những người xung quanh đặc biệt là những người quan trọng với mình, họ có biểu hiện không hài lòng, mình sẽ biết cách kiểm soát nó lại. Trong công việc cũng vậy, vì mình hiểu rõ là nếu mình nổi nóng lúc đấy, nó cũng không giải quyết được gì, thay vào đó thì tại sao không nghĩ thật nhanh, làm thế nào giải quyết cho xong. Mình nghĩ là không chỉ nấu ăn, mà tất cả các sự kiện trong đời sẽ tôi luyện giúp chúng ta tính kiên nhẫn, trong quá trình tôi luyện đó, nấu ăn có thể là một phần giúp ích.

Có đi bao xa, học nấu bao món, món mẹ nấu vẫn là nhất

Nếu phải chọn ăn 1 món trong suốt 1 tuần, mình sẽ trả lời là bất kể món gì mẹ nấu. Hồi bé,  chúng ta thường không hứng thú gì lắm, thậm chí là còn thích được đi ăn bên ngoài hơn. Nhưng khi lớn lên mình lại ít có dịp được ăn cơm với gia đình. Chính vì vậy, bây giờ mình lại trở nên “thèm” những ký ức tuổi thơ đó. Và cái “hương vị tuổi thơ” trong từng món ăn của mỗi người lại khác nhau. Nhưng khi nhắc đến sẽ đều gặp nhau ở một điểm chung đó là: Hương vị mẹ nấu.

Bây giờ mà để gọi tên món ăn mà hoàn thiện mãi không được thì mình chưa biết được nữa. Nấu ăn đúng hay sai chỉ mang tính tương đối: Dựa theo khẩu vị của mình hoặc người thưởng thức món mình làm. Có lẽ cá kho là món mất nhiều thời gian để hoàn thiện nhất đối với mình. Nói thật là đến bây giờ để kho cá được như các bà, các mẹ ngày xưa, mình vẫn chưa thực sự tự tin đâu.

Ấp ủ đem “Hương vị cơm nhà” ra thế giới

Nguồn ảnh: elLotte.vn

Hiện tại, mình vẫn chưa thể đặt ra được một dự định lớn do tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng. Tuy nhiên, mình vẫn luôn muốn làm gì đó để giúp cho ẩm thực Việt Nam được nhiều người hiểu rõ hơn. Có một mảng đồ ăn mà rõ ràng là người nước ngoài chưa quan tâm đủ nhiều, có khả năng để đưa lên thành Fine Dining. Đó chính là: Đồ ăn gia đình. Dự định của mình chính là làm thế nào để cho người nước ngoài quan tâm và hiểu rõ hơn cái gọi là “Văn hóa cơm nhà” của người Việt. Trước hết, mình sẽ dựa vào những gì mà mình đang có ở Nhã Culinary, tổ chức những buổi workshop dành riêng cho người nước ngoài hoặc là có thể viết về chủ đề này thông qua các bài Blog hay xuất bản một quyển sách về ẩm thực Hà Nội. Tất nhiên, việc nào cũng cần có nhiều thời gian và mình hy vọng rằng dự định này của mình sẽ dần dần được hiện thực hóa rõ ràng hơn trong tương lai.